Chỉ cách đây 1 vài năm, wibu thường được sử dụng để miệt thị những fan cuồng, những người nghiện văn hóa Nhật Bản thái quá, thường là Anime, Manga. Thế nhưng mà giờ là năm 2024 rồi, một mét vuông có 9 đứa wibu. Nào là chồng em là chú thuật sư mạnh nhất, thế mà vừa bị xẻ đôi xong. Nào là đủ các kiểu cuồng waifu, mua về làm gối ôm, mô hình các kiểu con đà điểu. Anh em wibu thì cũng có wibu this wibu that. Game cho wibu cũng thế. Có rất nhiều tựa game được lấy cảm hứng từ Anime, Manga, hay đơn giản là nét vẽ, thiết kế theo phong cách này.
Và cách đây từ rất là lâu rồi, cộng đồng fan của nền văn hóa đất nước mặt trời mọc, cũng đã sở hữu cho mình một quả bom xịt Jump Force
1. Tổng quan về game
1.1. Sự phát triển
Vào giữa năm 2018, cụ thể là ngày 10 tháng 6 năm 2018, tại hội chợ Electronic Entertainment Expo, hay được gọi tắt là E3. Đây là một sự kiện lớn đối với ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Nó được diễn ra hàng năm trở thành một sân chơi lớn, nơi mà các nhà phát triển và xuất bả, cung cấp và tung ra các thông tin mới, các trailer cho các dự án sắp ra mắt. Tại đây, Bandai Namco Entertainment, đã tung ra trailer chính thức của Jump Force. Và điều này đã thu hút được đông đảo sự chú ý từ cộng đồng Fan Anime, Manga nói riêng và cộng đồng game thủ nói chung. Sự kiện này đã khiến cho rất nhiều anh em đặt niềm tin và kỳ vọng vào một siêu phẩm mới.
Và sau bao nhiêu nỗ lực, vào ngày 15 tháng 2 năm 2019, Jump Force đã chính thức tới được tay anh em, game được phát hành trên các hệ máy PlayStation4, Xbox One và Microsoft Windows. Trở thành một trong những tựa game đáng được mong đợi nhất năm 2019. Thế nhưng, trèo cao thì ngã đau, Jump Force lại không thỏa mãn được, sự kỳ vọng lớn lao của cộng đồng. Tất cả, đều là do làm phim hay hơn làm game như một công ty nào đó. Trailer của game quá bắt mắt, đã khiến cho niềm tin của giới game thủ quá lớn lao, quá là bay bổng. Nên khi game ra mắt đã để lại phần nào cảm xúc tiêu cực cho người chơi. Lý do tại sao game lại có sự kỳ vọng lớn đến như vậy, chúng ta hãy điểm qua nhà phát phát triển và phát hành của game trước cái đã.
Bandai Namco Entertainment, được thành lập từ năm 2006, trụ sở chính đặt tại Tokyo, Nhật Bản, hiện nay công ty đã có các studio trải khắp thế giới. Công ty chủ phát triển và phân phối các trò chơi điện tử, bao gồm các tựa game chuyển thế từ Anime, Manga. Các sản phẩm của họ đa số đều đã được biết đến trên toàn thế giới, và được rất nhiều đánh tích cực từ các nhà phê bình lẫn những người chơi đã trải nghiệm game. Như là Tekken, Soulcalibur, Ace Combat, và rất nhiều các tựa game khác. Với lịch sử lâu đời như vậy thì không có gì lạ khi mà một công ty tai to mặt lớn, một trong những anh lớn hàng đầu trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử được giới game thủ kì vọng vào đứa con tinh thần của mình đến vậy.
1.2. Bối cảnh và Cốt truyện
Đối với một tựa game đối kháng, đa số người chơi, sẽ chỉ để ý vào hành động mượt mà, đấm đá có võ vẽ gì hay ho không, hay là chiêu thức có xịn xò đẹp mắt hay không. Nhưng thật ra, hầu hết game đối kháng sẽ có một phần cốt truyện riêng. Jump Force cũng không ngoại lệ, vì việc chỉ ghép hết những nhân vật Anime, Manga vào cùng một thế giới, sau đó cứ bắt họ đi đánh đấm nhau thì quá là nhàm chán phải không nào.
Jump Force đưa bạn vào một thế giới giả tưởng, nơi bạn là một người thường vô tình bị cuốn vào trận chiến giữa các nhân vật bước ra từ Anime Manga. Lúc này, một tổ chức tên là Venoms, chúng tập hợp tất cả nhân vật phản diện từ nhiều thế giới khác nhau để thôn tính thế giới của chúng ta. Thật không may bạn cũng trở thành nạn nhân và nằm xuống trong sự hỗn loạn đó. Tưởng chừng như đã mồ yên mả đẹp, bạn lại được hồi sinh với khả năng học hỏi các kỹ năng, chiêu thức từ mấy Idol của các bạn. Và cứ thế, bạn gia nhập liên minh Jump Force, nơi mà các nhân vật chính tập hợp lại để tiêu diệt chống lại bè lũ Venoms. Cứ như thế, bạn cứ như một main Anime chính hiệu, sức mạnh của bạn ngày một tăng lên, cho đến khi đủ mạnh để tiêu diệt trùm cuối, có khi lại có cả sức mạnh tình bạn ý chứ.
1.3.Hệ thống nhân vật
Như đã nói ở trên, vì Jump Force là cả một liên minh bao gồm các nhân vật bước ra từ phim truyện khác nhau. Vậy nên bạn cũng có thể chơi rất nhiều nhân vật khác nhau. Thích cảm giác hét to tăng sức mạnh, bạn có thể chơi các nhân vật trong Dragon Ball. Thích làm hải tặc thì chơi mấy thánh hề trong Một mảnh.
1.4.Hệ thống chiến đấu
Nói về khoản đánh đấm thì chao ôi nó phải gọi là đã tay. Vì game làm theo thể loại đối kháng 3D nên bạn có thể di chuyển tự do trong map. Mỗi trận đấu, bạn có thể chọn ra 3 nhân vật cho đội hình, mỗi nhân vật đều có các kỹ năng riêng. Điều này cho phép bạn có thể đa dạng trong việc tạo ra các combo, phong phú về tính sáng tạo cho đội hình.
Chưa kể, giờ đây bạn còn được trải nghiệm sức mạnh của mấy idol từ tuổi thơ cho đến hiện tại. Vì các idol được thiết kế kỹ năng dựa theo nguyên bản bước ra từ series của họ, nên là cứ yên tâm không có quả Skill nào là lệch được hết. Nói về kỹ thuật chiến đấu, một tựa game đối kháng thì chắc chắn phải có đấm đá, né tránh, đỡ đòn. Tôi mạnh dạn cho Jump Force 1 điểm cộng, khi mà game có thêm một cơ chế gọi là phản đòn. Nghĩa là khi bạn sắp nhận sát thương, nếu căn chuẩn thời gian để đỡ đòn, bạn có thể chặn 100 phần trăm sát thương, đồng thời gây được sát thương ngược lại đối thủ. Mà nếu bạn thích kiểu xăng pha nhớt, Goku nhưng mà ăn trái cao su. Thì game còn cho phép bạn thiết kế một bộ kỹ năng riêng. Cho phép bạn tùy chỉnh cách chiến đấu, thay đổi style chiến đấu tùy ý, hay đơn giản hơn là nhét con cửu vĩ vào người Luffy.
1.5. Đồ họa
Nói về đồ họa của game thì phải nói là cực kỳ hoành tráng, các cảnh chiến đấu trong game cực đẹp mắt, đồ họa 3d thì trên cả tuyệt vời.
Kỹ năng của các nhân vật thì cứ phải gọi là như bước ra từ trong truyện luôn. Không biết bao nhiêu lần tôi phải hú hét lên, tôi phải phấn khích lên khi mà thấy các nhân vật Henshin. Luffy Gear 4 này Goku ultra instinct này.
Đương nhiên đã là game thì sẽ có sai xót. Chúng ta sẽ điểm qua những điểm trừ lớn nhát và cũng là nguyên nhân khiến cho Jump Force từ một quả bom tấn, trở thành một quả bom xịt.
2. Điểm trừ
2.1. Spam nút đánh
Tưởng chừng như một game đối kháng sẽ cần những combo rất phức tạp. Thoạt nhìn qua gameplay của các video trên mạng, ta sẽ nghĩ rằng Jump Force cũng như thế.
Thế mà đời không như là mơ, dù là skill trong game có đẹp đến mấy, có nhiều đến đâu, thế mà chúng gần như chả kết hợp được gì với nhau. Rất khó để dùng skill của nhân vật mà tạo thành 1 combo hoàn chỉnh. Việc của bạn đơn giản là… bấm vào nút đánh, nhân vật của bạn sẽ tự động làm hết, cứ như nó mới là người điều khiển vậy. Cứ spam như vậy, dần dà sẽ tạo nên một cảm giác chán game nhanh chóng mà thôi.
2.2. Đồ họa
Mặc dù ở trên, tôi đã nói đồ họa của game phải gọi là cực kỳ hoành tráng. Thế nhưng mà nó chỉ đúng khi mà bạn đang đánh đấm ở trong trận mà thôi. Thử nhìn vào mấy cái cut scene đi, Idol của các bạn có khác gì một cái máy chỉ biết nhấp nhô cái mồm, mặt thì chả có biểu cảm gì ra hồn. Nói chung là tệ, tệ đến không tưởng.
2.3. Cốt truyện và nhiệm vụ
Cốt truyện của game nghe qua thì có vẻ thú vị đấy, một thế giới mà quy tụ toàn các nhân vật Anime, Manga đến từ các bộ truyện khác nhau. Nghe là thấy hấp dẫn rồi đúng không.
Thế nhưng mà thực tế lại khác. Bạn chỉ đơn giản là gia nhập Jump Force, sau đó cứ lặp đi lặp lại cái việc đánh lũ Venoms đang tàn phá thành phố, đánh đến khi gặp trùm cuối thì thôi. Nói thật, cái kịch bản kiểu Super sentai này phim sentai còn làm hay hơn. Chưa kể là một vài nhân vật còn bị bóp méo tính cách so với truyện gốc nữa cơ. À còn đống nhiệm vụ phụ cứ bất thình lình xuất hiện, rồi giao cho bạn toàn nhiệm vụ không đâu, rất mất thời gian.